Khách du lịch đến Đà Nẵng đã và đang tăng mạnh trở lại. Quý 1/2023, tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 5.897 tỷ đồng…
Lễ hội diều trên bãi biển Đà Nẵng
Để phục vụ cho đợt cao điểm mùa du lịch hè và dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 âm lịch), 30/4 và 1/5 sắp tới, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình “Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023”. Chương trình diễn ra từ ngày 28/4 đến 3/5/2023 tại Công viên Biển Đông, Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển của thành phố phục vụ người dân và du khách tham quan vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ lễ.
Theo kế hoạch, Đà Nẵng đã xây dựng chương trình với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày mô hình nghệ thuật trên bãi biển, Lễ hội thả diều nghệ thuật, không gian lễ hội ẩm thực, không gian trải nghiệm làng nghề truyền thống, Lễ hội Fresh biển hè, Lễ hội thể thao biển Đà Nẵng-Da Nang Color Race 2023…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết mặc dù lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đã có sự tăng trưởng đáng kể, song kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nước châu Âu bị ảnh hưởng mạnh từ cuộc xung đột Nga – Ukraina đang là thách thức lớn để có thể khôi phục hoàn toàn lượng khách quốc tế đến với thành phố như thời điểm năm 2019. Cũng do nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, lạm phát tăng cao, người dân các nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu từ hoạt động du lịch của Đà Nẵng.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố cũng như ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá thu hút khách quốc tế thông qua các đoàn công tác đi xúc tiến du lịch tại các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Cùng với đó, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã và đang tập trung đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm du lịch có lợi thế để xây dựng sản phẩm mới; phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường và tạo nên lợi thế cạnh tranh của điểm đến.
Thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đã và đang tăng mạnh trở lại. Quý 1/2023, tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt gần 400 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt hơn 01 triệu lượt; đạt tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 5.897 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi trải nghiệm các dịch vụ du lịch, thành phố Đà Nẵng cũng đã hình thành hệ thống chợ điểm phục vụ khách du lịch. Hiện thành phố có 11 chợ được lựa chọn, tập trung chủ yếu ở khu vực ven hai bờ sông Hàn cùng với các chợ ở trung tâm thành phố như: Chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Bắc Mỹ An, An Hải Bắc…bảo đảm đủ các tiêu chí của chợ điểm phục vụ du lịch tham quan, mua sắm.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, thành phố sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, cùng 9.300 cửa hàng, quầy hàng bán lẻ, hộ kinh doanh độc lập, với 10 tuyến phố chuyên doanh và 01 trung tâm hội chợ triển lãm mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế, đảm bảo phục vụ theo nhu cầu của khách du lịch trên địa bàn.
“Nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch mua sắm kỷ vật, hàng hóa tiêu dùng khi đến Đà Nẵng, thành phố cũng đã xây dựng tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên các trục đường trung tâm của thành phố là đường Trần Văn Trứ, đường Nguyễn Văn Linh và đường Huỳnh Thúc Kháng là những nơi tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm giải trí.
Tại các tuyến phố này, du khách và người dân sẽ mua sắm hàng hóa rồi thanh toán không dùng tiền mặt ngay tại các gian hàng với đa dạng loại hàng hóa, như, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, mini-mart, dịch vụ viễn thông… với nhiều ưu đãi”, bà Lê Thị Kim Phương thông tin thêm.
Trước đó, ngành Công Thương thành phố Đà Nẵng đã áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt cho 1.000 tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa với 37 ngân hàng và ví điện tử hỗ trợ cho người dân và du khách.